Năm 2002,
Sư Huynh Giám Tỉnh Gregoire Nguyễn Văn Tân đã liên lạc với anh Trần Công Sánh –
cựu học sinh La San đang công tác ở Pleiku đề nghị tìm một miếng đất để mở trường.
Anh đồng ý và tìm được một miếng đất tại huyện Đắk-Đoa, tỉnh Gia lai, cách
thành phố Pleiku 15 cây số và Sư Huynh Valentin Nguyễn Cao Quý được đề cử lên
Pleiku để thăm dò tình hình.
Dự án đến với
người nghèo vùng cao được Thiên Chúa Quan Phòng xếp đặt, Tỉnh Dòng được sự tài
trợ của Nhà La San Việt Nam tại San Jose, Hoa Kỳ để mua thửa đất 2000m2. Thủ tục
xin mở trường Tiểu học Dân Lập tại Thị Trấn Đak-Đoa, tỉnh Gialai đã được anh
Sánh - Giám đốc công ty TNHH Tân Cường
Thịnh tiến hành một cách mau lẹ. Khi được
giấy phép mở trường kế hoạch xây dựng được tiến hành với mong muốn trường khai
giảng vào đầu niên học 2004-2005. Tháng 6.2003, Sư Huynh Giám Tỉnh đã bổ nhiệm
những Sư Huynh tiên phong đến phục vụ ngôi trường mới này là Sư Huynh Gustave Đức,
Paul Nou, Jopseph Quân. Cuối năm 2003 bổ nhiệm Sư Huynh Thomas Nghị và tháng
6.2004, Sư Huynh Michel Trướk, một Sư huynh trẻ vừa hoàn thành giai đoạn Học Viện.
Với quyết
tâm được thôi thúc bởi lòng nhiệt thành La San, “trường sẽ khai giảng dù chỉ có
một học sinh”, các Sư Huynh cùng với anh Sánh huy động nhân viên làm việc ngày
đêm để hoàn thành cơ sở hạ tầng của một trường Tiểu học và chỉ kịp chiêu sinh
trước ngày khai giảng hai tuần lễ. Trường được đặt tên là Trường Tiểu Học Dân Lập
Trương Vĩnh Ký. Sư Huynh Joseph Vũ Mạnh Quân được chấp thuận làm hiệu phó
chuyên môn và hiệu trưởng là một cựu giáo viên trường La San Hiền Vương.
Ngày Khai
Giảng quan khách được mời đến tham dự khoảng 50 người gồm đại diện các ban
ngành và các cấp chính quyền, các khách mời và thân hữu từ Saigon lên. Thế
nhưng, chỉ có một học sinh duy nhất. Buổi lễ diễn ra thật tốt đẹp, nhân dịp nầy,
Anh Sánh trao học bổng trọn năm cho em học sinh lớp một duy nhất nầy. Từ nay, một
trường tiểu học mang tên Trương Vĩnh Ký ra đời, lý giải được sự hiện diện của
anh em La San trên vùng đất cao nguyên nầy.
Sĩ số học
sinh tăng lên được 6 em (tăng 600%!), ngoài ra có một số các em học từ lớp 6 đến
lớp 9 đăng ký học thêm, sĩ số lên đến 76 em. Sau năm đầu hoạt động, các Sư
Huynh đã tạo được uy tín cho trường. Mùa hè năm ấy, các Sư Huynh trang bị lại
phòng ốc và lập phòng vi tính với 6 máy, Tỉnh Dòng tăng cường thêm vào Hội đồng
Sư phạm nhà trường hai Sư Huynh giáo viên là Sư huynh Vincent Hòa và Sư Huynh
Joseph Hưng
Vì vậy vào
năm học mới 2005 – 2006, học sinh ghi danh cho lớp Một vượt quá tiêu chuẩn cho
phép là 35 em, trong đó có một số học sinh dân tộc và nhiều em nhà ở xa trường,
để đáp ứng nhu cầu này, các Sư Huynh tính đến việc xây nhà nội trú.
Hàng năm
trường lại nhận thêm vào một lớp Một với số học sinh là 35 em, nhưng nhiều phụ
huynh trong vùng đến ghi danh và năn nỉ cho con em họ được học ở trường Tiểu Học
Dân Lập Trương Vĩnh Ký. Năm học này, các Sư Huynh được Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm
Huế hỗ trợ nhân sự có trình độ chuyên môn giảng dạy.
Số học sinh
tăng đi đôi với những nhu cầu giáo dục mà một cơ sở trường học phải có. Trường
xây dựng thêm cơ sở mở phòng thư viện, phòng máy vi tính... Năm học 2007 – 2008
sĩ số học sinh là 122. Năm học 2008 – 2009 trường có 4 lớp từ lớp 1 đến lớp 4 với
sĩ số học sinh là 170 em...
Đến ngày 01 tháng 08
năm 2009, trường Tiểu Học Dân Lập Trương Vĩnh Ký được công ty TNHH Tân Cường Thịnh
bàn giao lại cho công ty TNHH Liên San. Năm học 2009
– 2010, trường hoàn chỉnh bậc học Tiểu Học từ lớp 1 đến lớp 5, sĩ số học sinh là
212 em. Các Sư huynh tiếp tục dự án mở rộng Trường...
Năm học
2011 – 2012, trường có 10 lớp với sĩ số học sinh là 231 em.... Các Sư huynh tiếp
tục xây dựng thêm một tòa nhà để mở thêm lớp học và các phòng ở cho học sinh
bán trú và nội trú.
Năm học 2012-2013,
Sư Huynh James Lê Vinh Nhựt được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng, số học sinh nội trú
Trung học cơ sở (cấp 2) được tách về cơ sở mới đối diện với nhà của cộng đoàn
và trao cho các Sư Huynh khác quản lý. Trường Tiểu Học Dân Lập Trương Vĩnh Ký
còn lại nội trú là học sinh tiểu học của trường.
Đến năm học
2014-2015 là 561 học sinh từ lớp Một đến lớp Năm trong 13 lớp học. Giáo viên và
nhân viên của trường là 39 trong đó có 4 Sư Huynh và 3 Nữ Tu Dòng Con Đức Mẹ Vô
Nhiễm Huế.
Hằng năm,
các Sư Huynh lãnh đạo nhà trường đã miễn phí hoàn toàn cho khoảng 20 – 30 em học
sinh dân tộc và diện nghèo.
Trong tinh thần liên kết sứ mạng giáo dục, các Sư Huynh La San ý
thức rằng trường là “công trình của Chúa và cũng là của chúng ta”, sự liên kết
trong việc phục vụ giáo dục người nghèo tại Trường Tiểu Học Trương Vĩnh Ký ngày
càng chặt chẽ và hiệu quả hơn, đã đem đến cho học sinh một sự giáo dục chất lượng
cả về nhân cách lẫn văn hóa. Một bài viết trên trang báo địa phương nhận định về
Trường Tiểu Học Dân Lập Trương Vĩnh Kỳ như sau: “Với phương châm “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật” và khẩu hiệu hành
động “Tận tâm, tận tụy, tận lực, tất cả
vì học sinh thân yêu”, nhà trường đã có định hướng rõ ràng là dạy chữ đi
đôi với dạy người... Trường
“không những đã thu hút được học sinh trên địa bàn huyện mà ngay
cả con em sống trên địa bàn TP. Pleiku cũng vượt hàng chục km để về đây học.”[1]
Ngoài hoạt động tại
trường học, các Sư huynh còn tổ chức các chương trình ngoại khóa giúp học sinh
ngay từ lúc này biết quan tâm đến những người nghèo và kém may mắn hơn, qua
việc thăm viếng và phát quà cho trẻ em dân tộc trong các bản làng vào những dịp
lễ tết. Tổ chức mời các sinh viên tại các lưu xá ở Sài Gòn lên dạy kèm văn hóa
miễn phí vào mùa hè...
Trường Trương Vĩnh Ký,
mở ra một con đường trong giai đoạn mới cho các Sư Huynh La San Việt Nam trong
việc trở lại phục vụ giáo dục trong môi trường học đường, một phương tiện được
Luật Dòng của các Sư Huynh xem là “ưu
việt để các Sư Huynh hành động”
[1] Xuân Hoàng – Tiến Thành, bài “Dấu Ấn Về Một Mái Trường” đăng Thứ Bảy, ngày 08/10/2011 trên tờ báo Tỉnh Gialai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét